13 nguyên nhân đáng ngạc nhiên gây táo bón

Nguyên nhân gây táo bón như nhiều người biết bao gồm một chế độ ăn uống ít chất xơ, nhiều lần bỏ qua các cơn mót rặn, không uống đủ nước, hay ít tập thể dục. Dưới đây là 13 nguyên nhân gây táo bón khác có thể bạn chưa xem xét đến.

Suy giáp

Suy giáp, hoặc tuyến giáp hoạt động không hiệu quả, làm chậm quá trình trao đổi chất của cơ thể, thậm chí cả của ruột.

Không phải tất cả mọi người mắc bệnh suy tuyến giáp đều bị táo bón, và cũng không phải tất cả các trường hợp bị táo bón có nghĩa là tuyến giáp ở cổ hoạt động kém.

Tuy nhiên Giáo sư y khoa tại Trường Y Harvard ở Boston, Carla H. Ginsburg nói: “Khi tôi thăm khám cho một người trẻ- những người bị táo bón nhiều hơn bình thường, tôi có xu hướng kiểm tra khả năng hoạt động của tuyến giáp”.

Thuốc giảm đau

Thuốc giảm đau, đặc biệt là các thuốc giảm đau gây nghiện có thể gây táo bón.

“Rất nhiều thụ thể của thuốc giảm đau gây nghiện là ở đường tiêu hóa, do đó, khi dùng có xu hướng làm hệ thống tiêu hóa hoạt động chậm lại.”- Thomas Park, một chuyên gia về bệnh tiêu hóa, trường Đại học Rochester Medical Center Park ở New York cho biết. “Nói chung, một gợi ý tốt cho những người đang dùng thuốc giảm đau gây nghiện là dùng kết hợp với một thuốc nhuận tràng nhẹ như chất làm mềm phân.”

Một số nghiên cứu (nhưng không phải tất cả) cho thấy rằng những người đang sử dụng các thuốc giảm đau như aspirin và ibuprofen kéo dài có thể có nguy cơ cao bị táo bón.

Sô cô la

Có một số bằng chứng cho thấy sô cô la có thể gây táo bón, mặc dù các nghiên cứu khác cho kết quả ngược lại- sô cô la thực sự có thể có ích với một số người, Tiến sĩ Park nói.

Trong một nghiên cứu năm 2005, những người bị táo bón kinh niên hay hội chứng ruột kích thích thường trả lời rằng sô cô la là nguyên nhân gây ra tình trạng táo bón của họ (tương tự như chuối, chè đen).

Hãy loại bỏ hoặc cắt giảm sô cô la nếu bạn nghĩ rằng nó có thể là nguyên nhân gây ra tình trạng táo bón của bạn.

Các thực phẩm bổ sung

Vitamin nói chung sẽ không gây táo bón, nhưng các thành phần nhất định, chẳng hạn như canxi và sắt, có thể là một vấn đề.

“Tôi sẽ nói với một bệnh nhân ngừng uống sắt (hoặc canxi) trừ khi họ thực sự cần, và nếu họ cần bổ sung, tôi sẽ kê thêm một chất làm mềm phân để chống lại chứng táo bón”- theo Tiến sĩ Ginsburg, người phát ngôn Hiệp hội các bệnh tiêu hóa Mỹ.

Lạm dụng thuốc nhuận tràng

Một số thuốc nhuận tràng làm việc bằng cách kích thích hoạt động của ruột. Thuốc nhuận tràng kích thích như vậy chỉ nên được dùng theo chỉ dẫn của thầy thuốc.

Nếu được sử dụng trong thời gian dài, thuốc nhuận tràng kích thích có thể dẫn đến sự phụ thuộc, có nghĩa là cơ thể của bạn sẽ không hoạt động đúng nếu không dùng thuốc.

Đừng dùng bất cứ loại thuốc nào, kể cả thuốc nhuận tràng- lâu hơn hướng dẫn trên nhãn của sản phẩm hoặc bác sĩ.

Quá nhiều sữa

Một chế độ ăn giàu pho mát và ít chất xơ/ hoặc nhiều thực phẩm giàu chất béo khác như trứng và thịt có thể làm chậm quá trình tiêu hóa của bạn lại. Giải pháp cho bạn là cắt giảm lượng thức ăn giàu chất béo, và tăng lượng chất xơ lên 20- 35 gram một ngày.

“Nếu bạn đang chế biến món ăn có pho mát, thịt đỏ và trứng, hãy kết hợp với một số món salad hoặc thêm các loại thực phẩm khác có chất xơ”- Tiến sĩ Park khuyên. “Và tránh những thức ăn nhanh và thực phẩm chế biến, thường là ít chất xơ.”

Thuốc chống trầm cảm

Táo bón có thể liên quan tới chất ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRI) thuốc chống trầm cảm như Prozac (fluoxetine).

Tuy nhiên, táo bón là một tác dụng không mong muốn của thuốc chống trầm cảm ba vòng như Elavil (amitriptyline), Tiến sĩ Park nói.

Nếu bạn đang uống thuốc chống trầm cảm và có tác dụng phụ này, hãy suy nghĩ về việc sử dụng thuốc làm mềm phân nhẹ.

Trầm cảm

Trớ trêu thay, tình trạng trầm cảm hay thuốc điều trị trầm cảm- đều có thể gây táo bón.

Giống như suy giáp, trầm cảm gây ra sự suy giảm chung của các quá trình bình thường của cơ thể, mà cũng có thể ảnh hưởng đến ruột.

Những người bị hội chứng ruột kích thích, có thể liên quan tới trầm cảm, cũng dễ bị táo bón, Tiến sĩ Park nói.

Thuốc kháng acid

Thuốc kháng acid là liều thuốc tuyệt vời giúp chiến đấu với cơn ợ nóng, nhưng một số có thể gây táo bón, đặc biệt là những loại có chứa canxi hoặc nhôm, Tiến sĩ Park nói.

May mắn thay, bạn có thể lựa chọn các thuốc khác để ngăn cản tiết acid dạ dày. Bạn cũng có thể giảm nguy cơ bị ợ nóng bằng cách không ăn quá nhiều trong các bữa ăn. Đồng thời, tiêu thụ các loại thực phẩm ít béo và nhiều chất xơ hơn sẽ giúp ngăn chặn cả hai vấn đề.

Thuốc hạ áp và chống dị ứng

Táo bón có thể là một tác dụng phụ của một số loại thuốc thường được sử dụng để điều trị tăng huyết áp, chẳng hạn như thuốc chẹn kênh canxi và thuốc lợi tiểu.

Thuốc lợi tiểu, làm giảm huyết áp bằng cách tăng lượng nước đào thải ra ngoài qua đường tiểu. Tuy nhiên, nước lại cần thiết để giúp cho phân mềm và di chuyển qua ruột ra khỏi cơ thể.

Thuốc kháng histamin được dùng để điều trị các triệu chứng dị ứng cũng có thể là một nguyên nhân gây táo bón.

Bệnh viêm đường ruột

Bệnh viêm đường ruột (IBD) bao gồm hai hội chứng mạn tính- bệnh Crohn và bệnh viêm loét đại tràng. Cả hai có thể gây ra cơn đau bụng, giảm cân, phân có máu và các vấn đề sức khỏe khác.

Tiêu chảy mạn tính là một triệu chứng phổ biến của cả hai. Tuy nhiên, táo bón cũng có thể là một vấn đề.

Trong viêm loét đại tràng, táo bón có thể là một dấu hiệu của tình trạng viêm ở trực tràng và với bệnh Crohn đó có thể là một dấu hiệu của sự tắc nghẽn trong ruột non. Tuy nhiên nếu bạn chỉ bị táo bón, không có những triệu chứng khác đi kèm, đó dường như không thể do IBD.

Sinh sản

Táo bón là tình trạng phổ biến trong thời kỳ mang thai, sinh nở do trực tràng bị chèn ép hoặc việc sử dụng các thuốc giảm đau hay thuốc gây mê trong quá trình sinh.

“Ngoài ra, có thể do sau sinh bị đau tầng sinh môn gây sự sợ hãi khiến người mẹ ngại đi đại tiện hơn”, Tiến sĩ Park nói.

Đôi khi, chấn thương trong khi sinh có thể gây tổn thương thần kinh dẫn đến táo bón, nhưng điều này ít phổ biến hơn.

Tiểu đường và các bệnh thần kinh

Tiểu đường có thể gây tổn thương thần kinh và ảnh hưởng đến khả năng tiêu hóa thức ăn của người bệnh, Tiến sĩ Park cho biết.

Hầu hết những người bị bệnh tiểu đường tiến triển cho biết họ bị táo bón. Vì vậy, với một người thường xuyên bị táo bón nên làm test kiểm tra đường huyết, tiến sĩ Ginsburg nói.

Một số bệnh thần kinh như bệnh xơ cứng bì hệ thống, hay bệnh Parkinson có thể gây táo bón. Thông thường, táo bón thường đi kèm với những triệu chứng như đi tiểu khó khăn, nhìn đôi hay dáng đi có vấn đề- Tiến sĩ Ginsburg nói.