Những điều cần biết về rối loạn kinh nguyệt

nhung-dieu-can-biet-ve-roi-loan-kinh-nguyet-01

Hệ thống sinh sản của nữ giới bao gồm buồng trứng, ống dẫn trứng, tử cung, âm đạo và âm hộ. Từ lúc sinh ra, các nang trứng ở dạng chưa hoạt động trong buồng trứng. Đến tuổi dậy thì, dưới tác động của các hormon dẫn đến sự trưởng thànhcủa một số nang trứng mỗi tháng (thường chỉ là một nang). Nang trứng này nếu không được thụ tinh sẽ thoái hóa và xảy ra hiện tượng kinh nguyệt. Chu kỳ kinh nguyệt của các bạn nữ được kiểm soát chặt chẽ bởi các hormon, song rất dễ bị rối loạn. Cùng tìm hiểu về hiện tượng này trong bài viết dưới đây nhé!

nhung-dieu-can-biet-ve-roi-loan-kinh-nguyet-01

Sinh lý chu kỳ kinh nguyệt

Kinh nguyệt là chu kỳ mất máu âm đạo hàng tháng, kết quả của sự xoắn vỡ cácmạch máu dưới niêm, bong niêm mạc tử cung khi noãn không được thụ tinh. Thông thường, trong mỗi chu kỳ kinh nguyệt lượng máu mất đi là khoảng 25 ml mỗi ngày trong 4- 5 ngày. Lượng máu mất là khác nhau ở mỗi người nhưng có xu hướng tăng lên theo tuổi tác.

Độ tuổi bắt đầu có kinh trung bình là 13 tuổi, nhưng có thể sớm hơn vào năm 8 tuổi và muộn nhất là năm 18 tuổi vẫn được coi là bình thường. Chu kỳ sau đó sẽ xảy ra hàng tháng cho đến khi mãn kinh, trừ khi gián đoạn bởi thai kỳ. Ngày đầu tiên của chu kỳ được tính là ngày đầu tiên có kinh. Một chu kỳ được tính từ ngày đầu tiên có kinh của chu kỳ kinh nguyệt này đến ngày đầu tiên có kinh của chu kỳ tiếp theo. Một chu kỳ có thể kéo dài từ 21-35 ngày.

Chu kỳ kinh nguyệt được kiểm soát bởi các hormon của vùng dưới đồi, tuyến yên và buồng trứng. Các hormon ở vùng dưới đồi (LHRH, FSHRH) kiểm soát sản xuấtcác hormon tuyến yên (FSH, LH). FSH và LH tuyến yên lại đóng vai trò điều hòa tiết hormon estrogen và progesteron của buồng trứng.

nhung-dieu-can-biet-ve-roi-loan-kinh-nguyet-02

Những bất thường trong chu kỳ kinh nguyệt

Chu kỳ kinh nguyệt của phụ nữ rất nhạy cảm và dễ thay đổi. Những bất thường về chu kỳ có thể gặp gồm:

Bất thường về lượng máu kinh hay còn gọi là rong kinh: Hiện tượng rong kinh xảy ra khi cơ thể mất trên 80 ml mỗi chu kỳ và có thể gây ra thiếu máu do thiếu sắt.

Chu kỳ quá ngắn hoặc quá dài: Chu kỳ quá ngắn (hành kinh nhiều hơn 1 lần mỗi tháng) hoặc quá quá dài(không thường xuyên, 2- 3 tháng hoặc lâu hơn mới có kinh).

Thời gian chảy máu: bình thường là khoảng 3-7 ngày, ít hơn 3 ngày hoặc dài hơn 7 ngày là bất thường.

Thời gian bắt đầu có kinh: dậy thì sớm (trước 8 tuổi) hoặc dậy thì muộn (sau 16 tuổi).

Nguyên nhân gây kinh nguyệt không đều

Bệnh lý ngoài hệ thống sinh sản

  • Rối loạn đông máu: bệnh Willebrand, thiếu prothrombin (một yếu tố đông máu), bệnh bạch cầu, bệnh giảm tiểu cầu tự miễn và cường lách.
  • Suy giáp
  • Xơ gan

Các bệnh lý ở đường sinh sản

  • Sảy thai, thai ngoài tử cung
  • Các bệnh ác tính: Ung thư nội mạc tử cung, ung thư tử cung, ung thư biểu mô buồng trứng.
  • U xơ tử cung, polyp nội mạc tử cung và lạc nội mạc tử cung.
  • Tổn thương cổ tử cung: loét, polyp cổ tử cung
  • Do thuốc- các thuốc chứa hormon được sử dụng để tránh thai hoặc liệu pháp thay thế hormon (HRT). Một số loại thuốc hướng thần (ví dụ, risperidone).

Các yếu tố khác có ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt

  • Cho con bú có thể trì hoãn sự trở lại của kinh nguyệt sau khi sinh, đặc biệt cho con bú hoàn toàn trong 6 tháng đầu mẹ sẽ không có kinh- đó là một biện pháp tránh thai trong sáu tháng đầu đời của bé.
  • Thay đổi cân nặng đột ngột (tăng hoặc giảm)
  • Quá gầy như trong rối loạn ăn uống đặc biệt là chán ăn tâm thần.
  • Bị căng thẳng, stress.
  • Bệnh tật đáng kể.
  • Thuốc – ví dụ, kích thích tố, cytotoxics.

nhung-dieu-can-biet-ve-roi-loan-kinh-nguyet-03

Đối phó với chu kỳ kinh nguyệt bất thường

Để đối phó với tình trạng kinh nguyệt không đều,trước hết bạn cần xem lại chế độ ăn uống, sinh hoạt đã điều độ chưa? Có tập luyện quá sức không? Những phụ nữ bị rối loạn kinh nguyệt cũng nên theo dõi chu kỳ và các triệu chứng bằng cách ghi lại lịch kinh nguyệt của họ. Những phụ nữ ở tuổi trưởng thành nên đi khám phụ khoa hàng năm để phát hiện những vấn đề bất thường ở cơ quan sinh sản kịp thời. Ngoài ra, có thể cần dùng đến thuốc điều trị:

  • Điều trị kinh thưa, mất kinh: dùng thuốc tránh thaiđường uống
  • Điều trị rong kinh:
  • Chèn một dụng cụ tử cung giải phóng hormon
  • Dùng thuốc chứa progestin hoặc acid tranexamic
  • Nếu nguyên nhân là do bất thường cấu trúc hoặc nếu biện pháp dùng thuốc không hiệu quả, thì các biện pháp sau đây có thể được xem xét: Phẫu thuật cắt bỏ khối u hoặc u xơ tử cung, thuyên tắc động mạch tử cung- để làm giảm lưu lượng máu đến tử cung, cắt bỏ nội mạc tử cung, cắt bỏ tử cung.

Cách chăm sóc sức khỏe kinh nguyệt

Đau bụng kinh nguyệt, đầy hơi, đau ngực và những triệu chứng khác liên quan đến kinh nguyệt có thể giảm nhẹ với các biện pháp tự chăm sóc sau đây:

  • Ăn một chế độ ăn uống lành mạnh bao gồm nhiều ngũ cốc nguyên hạt, trái cây, rau quả, các thực phẩm cung cấp canxi và protein.
  • Tập thể dục thường xuyên. (Nếu bạn bắt đầu, hãy thử đi bộ 30- 40 phút/ngày, 4- 6 lần mỗi tuần)
  • Ngủ đủ giấc mỗi đêm để khi thức dậy bạn có cảm giác được nghỉ ngơi đầy đủ.
  • Trong khi có kinh, thay băng vệ sinh thường xuyên, ít nhất là mỗi 4-8 giờ.
  • Sử dụng băng vệ sinh thấm hút tốt nhất.
  • Tránh hoặc hạn chế caffeine.
  • Bổ sung vitamin và khoáng chất giúp giảm các triệu chứng tiền kinh nguyệt.
  • Giảm lượng muối ăn trước thời gian hành kinh của bạn để làm giảm đầy hơi và giảm phù.
  • Hạn chế rượu, rượu có thể làm tăng cảm giác trầm cảm.
  • Chườm nóng.
  • Dùng thuốc giảm đau không kê đơn như ibuprofen hoặc naproxen nếu bạn quá đau đớn, khó chịu- song cần chú ý về liều lượng.

Xem thêm

Chu kỳ kinh nguyệt ở phụ nữ – Biết sớm để phòng bệnh vô sinh

Tìm hiểu “bên trong” chu kỳ kinh nguyệt

Từ nguyên nhân đau bụng kinh đến tiềm ẩn nguy cơ vô sinh